Mục lục [Ẩn]
Bạn đã từng cảm thấy vô cùng khó chịu khi nhìn thấy một quyển sách bị xếp lệch đi so với những quyển khác, hay một chiếc đĩa màu trắng được đặt trong một rổ đĩa toàn màu đen hay chưa? Lúc đó, bạn có bắt buộc phải thay đổi chúng phù hợp với phần còn lại để thấy thoải mái hơn hay không? Nếu câu trả lời là có thì đó chính là một trong những dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) - Khi quá ngăn nắp cũng có thể trở thành bệnh!
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder) là một hội chứng rối loạn tâm thần đặc biệt. Theo nghiên cứu của Học viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ, căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 2% dân số. Điều này có nghĩa là rối loạn ám ảnh cưỡng chế còn phổ biến hơn bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, và rối loạn hoảng sợ.
Người bệnh có xu hướng suy nghĩ và lo sợ một cách thái quá, dẫn đến lặp đi lặp lại những hành vi nhất định. Người bệnh có thể ý thức được sự quá mức, vô lý của các hành vi này nhưng hoàn toàn không thể chống lại.
Mặc dù ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, công việc, học tập và những mối quan hệ của người bệnh.
Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có gì đặc biệt?
Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể xảy ra với mức độ và tần suất khác nhau tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, chúng đều được hợp thành từ hai phần gồm:
Những ý nghĩ ám ảnh
Người bệnh bị ám ảnh bởi những ý tưởng, suy nghĩ hay hình ảnh cứ xuất hiện liên tục trong đầu khiến họ bồn chồn, bất an. Sự sợ hãi của người bệnh mang tính chất hoang tưởng kéo dài dai dẳng. Trong đó, lo lắng thái quá về sạch sẽ hay mọi thứ phải thật hoàn hảo là những biểu hiện hay gặp.
Người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bị ám ảnh về những thứ như: Sợ bị bẩn, sợ gây hại đến người khác, sợ sai lầm, sợ hành vi của mình không được chấp nhận, đòi hỏi sự cân đối và chính xác một cách hoàn hảo, nghi ngờ quá mức
Những hành vi cưỡng chế
Cưỡng chế là những hành động lặp đi lặp lại không ngừng nhằm giảm thiểu đi nỗi lo lắng, ám ảnh. Người bệnh cảm thấy mình cần phải làm những hành động đó thì mới cảm thấy thoải mái, dễ chịu, bớt sợ hãi hoặc để phòng ngừa chuyện gì đó có thể xảy ra.
Các hành vi ép buộc thường gặp có thể kể đến như: Rửa và làm sạch, đếm, kiểm tra liên tục, giữ mọi thứ đúng trật tự, thực hiện một hành động lặp đi lặp lại, yêu cầu người khác khẳng định là đã làm theo,...
Từ những suy nghĩ và hành vi kể trên, chúng ta có thể thấy được một số triệu chứng điển hình của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là:
- Sợ bẩn và luôn rửa tay rất kỹ bằng dung dịch khử trùng, xà phòng; luôn nghĩ đến vi trùng hay mầm bệnh ngay cả khi vừa rửa tay xong; sợ hãi mầm bệnh ở khắp mọi nơi.
- Đặt ra những nguyên tắc khi dọn dẹp và bắt buộc phải tuân theo chúng một cách chính xác; không thể bỏ qua việc làm sạch căn nhà một cách tuyệt đối; cảm thấy khó chịu, bức bối nếu không dọn dẹp đúng nguyên tắc.
- Sắp xếp mọi thứ theo đúng trật tự nhất định như: phải cùng màu, cùng loại, cùng một chiều, cùng kích thước; cảm thấy rất khó chịu khi nhìn thấy mọi thứ không được căn chỉnh một cách hoàn hảo, ngăn nắp.
- Luôn đếm số bậc khi đi cầu thang, bị ám ảnh về một con số nào đó.
- Thường xuyên giật mình tỉnh dậy giữa đêm để kiểm tra xem các cửa đã được khóa, các thiết bị trong nhà đã được tắt hết hay chưa.
Một số triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được xác định rõ. Các lý do chính có thể kể đến như:
- Hậu quả của sự thay đổi các chất hóa học tự nhiên trong cơ thể hoặc chức năng não bộ.
- Xuất phát từ thói quen được tạo thành từ những hành vi đã diễn ra theo thời gian.
- Thiếu hụt serotonin - một trong những chất hóa học của bộ não, cũng có thể đóng góp cho chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Trẻ em có thể phát triển rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau khi nhiễm liên cầu nhóm A, liên cầu khuẩn tán huyết beta.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm: tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh, di truyền, căng thẳng trong cuộc sống, mang thai, rối loạn lo âu trầm cảm, lạm dụng rượu, nghiện rượu hay các chất kích thích khác,...
Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng cách nào?
Để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bác sĩ trị liệu sẽ tiếp cận theo 3 hướng bao gồm:
Trong quá trình trị liệu, bạn sẽ gặp một bác sĩ tâm thần định kỳ, trao đổi với họ về bất kỳ vấn đề lo âu, căng thẳng hoặc trầm cảm nào của mình. Các bác sĩ sẽ cho bạn tiếp cận dần dần với những nỗi sợ và học cách quản lý hành vi của bản thân. Từ đó, bạn sẽ làm quen với những nỗi sợ, giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ cũng có thể sẽ kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc để làm giảm việc suy nghĩ cứng nhắc và theo định hướng. Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Luyện tập thư giãn bao gồm kỹ năng hít thở và kỹ năng thư giãn để làm giảm cảm giác căng thẳng của bạn. Đó có thể là thường xuyên tâm sự với người thân, ghi chép đầy đủ các hành động và suy nghĩ ám ảnh để xua đuổi chúng đi, ngủ đủ giấc và đúng giờ, tham gia hoạt động xã hội, tập thể dục đều đặn, tập yoga, thiền, hít thở sâu,...
Tâm sự với người thân sẽ giúp giảm bớt căng thẳng
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả về hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD. Nếu bạn cần trợ giúp trong việc chăm sóc sức khỏe, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhé!
XEM THÊM:
- https://songkhoe.co/tong-hop-nhung-dieu-can-biet-ve-benh-crohn
- https://songkhoe.co/dung-nham-lan-giua-di-ung-thuc-pham-va-khong-dung-nap-thuc-an